Ngày 15/4, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản gửi Sở Y tế các địa phương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành, yêu cầu rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm cũng như các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn.
Bộ Y tế yêu cầu nếu các doanh nghiệp trong đường dây sữa giả từng công bố sản phẩm tại địa phương, phải cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm, đồng thời rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
![]() |
Triệt phá đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. (Ảnh minh họa/ Internet). |
Các đơn vị chức năng cũng được yêu cầu báo cáo lại các hoạt động thanh tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý, xác minh các lỗ hổng trong giám sát hậu kiểm và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục lọt lưới thị trường.
Liên quan đến công tác phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả và kém chất lượng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định luôn nhất quán trong chỉ đạo điều hành thông qua việc xây dựng, trình ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bộ cũng đặc biệt chú trọng công tác phối hợp liên ngành, nhất là với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và Ủy ban nhân dân các cấp theo các điều 62, 63, 64 và 65. Đặc biệt, khoản 5 Điều 64 giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chủ trì công tác phòng chống thực phẩm giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực lưu thông, kinh doanh thực phẩm.
Một trong những điểm quan trọng của công tác quản lý là cơ chế tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm, được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Theo đó, đa số các sản phẩm thực phẩm chỉ cần tự công bố trước khi lưu thông trên thị trường, trừ 4 nhóm đặc thù như sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt… phải được đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp khi tự công bố phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ an toàn và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả quản lý, công tác hậu kiểm giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Hàng năm, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đều ban hành kế hoạch hậu kiểm để các bộ ngành và địa phương triển khai, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm.
Các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương được yêu cầu rà soát hồ sơ tự công bố, bản công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cũng như kết quả thanh, kiểm tra trong thời gian từ năm 2021 đến nay.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trong 4 năm gần đây, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo điều tra, các các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, thu lợi bất chính khoảng 500 tỷ đồng.
Theo: Lan Anh
Dẫn theo nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/tu-vu-sua-bot-gia-bo-y-te-yeu-cau-ra-soat-toan-dien-17670.html