Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm nghiên cứu phát triển – Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) từ năm 2009 cho tới nay. Năm 2011, nghiên cứu PAPI lần đầu tiên được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố và từ đó các chỉ số chính được cố định để phục vụ việc so sánh kết quả qua các năm. Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua hai cơ chế bổ trợ lẫn nhau là: (i) Tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương; (ii) Tạo cơ hội cho người dân nâng cao năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân. PAPI thực hiện những mục tiêu đó bằng cách lấy ý kiến công chúng từ mẫu khảo sát đại diện, đảm bảo tính đa dạng nhân khẩu của dân số Việt Nam. Từ đó, nhà nước và các cấp chính quyền nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền[1].
1. Vài nét khái quát về quản trị và hành chính công
1.1. Quản trị
Quản trị là một thuật ngữ có nguồn gốc lâu đời từ nước Anh thời cận đại[2]. Trong những năm gần đây, thuật ngữ quản trị mới được dùng phổ biến, rộng rãi vào những năm 1990 của thế kỷ XX. Hầu như, tất cả các tổ chức phát triển hiện nay đều cho rằng, thúc đẩy quản trị tốt hay quản trị quốc gia là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của họ.
Theo tác giả, quản trị là hoạt động mà Nhà nước và xã hội kiểm soát/quản lý hiệu quả kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương, khu vực và quốc tế phát triển bền vững.
Quản trị có một số đặc trưng sau đây:
– Mục tiêu quản trị là bảo đảm cho các chủ thể phát triển bền vững.
– Chủ thể quản trị đa dạng, bao gồm: Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, công dân. Có nhiều chủ thể quản trị, trong đó, Nhà nước có vai trò “dẫn đường”, chủ chốt. Mô hình quản trị truyền thống nhấn mạnh đến sự kiểm soát theo thứ bậc và sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, trong khi quản trị theo mạng lưới nhấn mạnh đến sự giao tiếp, tham vấn và đối thoại bình đẳng giữa các chủ thể quản trị[3].
– Quản trị là sự tương tác nhiều tầng giữa các dạng quyền lực khác nhau (Nhà nước, công dân và thị trường), các phương pháp điều tiết khác nhau (luật pháp, phong tục và chuẩn mực xã hội) và những nỗ lực phối hợp để theo đuổi mục tiêu chung trong hợp tác chung, quá trình đàm phán, đánh đổi giữa các lợi ích xung đột. Kiến thức của con người còn hạn chế và không thể đoán trước được xu hướng tương lai của mọi việc, điều này khiến nhiều thứ trở nên không chắc chắn. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt và không chắc chắn của loại nguồn lực này, cách tốt nhất là hợp tác, cùng nhau làm việc, tận dụng lợi thế của người khác để bù đắp những thiếu sót của mình, đạt được tình hình đôi bên cùng có lợi[4]. Quản trị thực hiện thông qua việc thực hiện các chính sách thuê ngoài, hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công – tư…, sự tương tác, phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân.
– Quản trị sử dụng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, dẫn dắt, liên kết, định hướng hoạt động chung của các chủ thể.
– Quản trị được bảo đảm bằng các nguồn lực chính thức và phi chức thức, bảo đảm tốt các hoạt động quản trị.
– Quản trị là một quá trình liên tục, từ đó thúc đẩy sự phát triển có trật tự của công vụ và quản trị địa phương.
1.2. Hành chính công
Hành chính công là tổng thể các tổ chức và quy chế hoạt động của bộ máy hành pháp có trách nhiệm quản lý công việc hàng ngày của Nhà nước do các cơ quan có tư cách pháp nhân công quyền tiến hành bằng những văn bản dưới luật để giữ gìn trật tự công bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu hàng ngày của công dân. Với ý nghĩa hành chính nhà nước (hành chính công hay hành chính quốc gia), nó là một hệ thống chức năng của Nhà nước bảo đảm thực thi quyền hành pháp và hoạt động liên tục của bộ máy nhà nước, các công sở. Nền hành chính cũng có nghĩa là toàn bộ các công sở và công chức đặt dưới quyền quản lý hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng[5].
Theo tác giả, hành chính công là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng quyền lực nhà nước để quản lý các công việc của Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc lợi ích riêng hợp pháp của công dân.
Hành chính công có một số đặc trưng như: (i) Hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận; (ii) Chủ thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Đối tượng là cơ quan, tổ chức và cá nhân; (iv) Mang tính quyền lực nhà nước.
2. Cơ sở khoa học Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam
2.1. Một số quốc gia trên thế giới
Tại Hoa Kỳ, Chính phủ “mang tinh thần doanh nghiệp” (EG) với 10 nguyên tắc: (i) Chính phủ đóng vai trò xúc tác: Chú trọng vào “lái thuyền” thay vì “chèo thuyền”; (ii) Chính phủ dựa trên cộng đồng: Tăng cường quyền năng thay vì trực tiếp phục vụ; (iii) Chính phủ có tính cạnh tranh: Tạo cạnh tranh trong các quá trình dịch vụ công; (iv) Chính phủ hoạt động theo sứ mệnh thúc đẩy: Thay đổi những tổ chức nặng về quy chế, thủ tục hành chính; (v) Chính phủ hoạt động theo định hướng kết quả: Không cấp kinh phí trên cơ sở yếu tố đầu vào mà căn cứ vào kết quả đầu ra; (vi) Chính phủ quan tâm tới khách hàng: Đáp ứng các nhu cầu của tập thể công dân chứ không phải yêu cầu từ nội tại của bộ máy hành chính; (vii) Chính phủ dám mạo hiểm: Đầu tư để tăng thêm nguồn thu chứ không chỉ chi tiêu; (viii) Chính phủ biết lường tính: Phòng ngừa hơn là chữa trị; (ix) Chính phủ phân quyền: Chuyển từ thứ bậc hành chính sang tăng cường sự tham gia và cách thức làm việc nhóm; (x) Chính phủ hoạt động theo định hướng thị trường: Vận dụng cơ chế thị trường để tạo động lực thay đổi[6]. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Kết quả và Hiệu suất được ban hành, theo đó, yêu cầu đối với các cơ quan liên bang thực hiện các kế hoạch và báo cáo có thể đọc được bằng máy, để từ đó đánh giá chất lượng thực hiện các chức năng quản lý nhà nước.
Tại Italia, Chỉ số chất lượng thể chế (IQI) là một chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng thể chế ở Italia: (i) Tiếng nói và trách nhiệm giải trình: Thu hút người dân mức độ tham gia vào các cuộc bầu cử công, các hiệp hội dân sự và xã hội, số lượng hợp tác xã xã hội, bài kiểm tra và sự sống động về văn hóa được đo lường về số sách đã xuất bản; (ii) Hiệu quả của Chính phủ: Đo lường nguồn lực của cơ cấu kinh tế và xã hội ở các tỉnh của Italia cũng như năng lực hành chính của chính quyền tỉnh và khu vực về chính sách y tế, quản lý chất thải và môi trường; (iii) Chất lượng pháp lý: Liên quan đến mức độ “mở” của nền kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp “chết”, các chỉ số về môi trường kinh doanh và mật độ kinh doanh; (iv) Pháp quyền: Tóm tắt dữ liệu về tội phạm chống lại người hoặc tài sản, năng suất của thẩm phán, thời gian xét xử, trốn thuế và kinh tế ngầm; (v) Tham nhũng: Thu thập dữ liệu về tội phạm chống lại Cơ quan hành chính công, số lượng chính quyền địa phương bị chính quyền liên bang quản lý[7].
Các chỉ số như: Chỉ số tổng hợp chất lượng thể chế quản trị cấp tỉnh ở Trung Quốc, Chỉ số chất lượng thể chế của đô thị (IQIM) Brazil, Chỉ số tự do kinh tế cho các bang của Hoa Kỳ và các tỉnh ở Canada (EFNA) cũng đo lường sự hiệu quả quản trị địa phương ở các quốc gia và khu vực.
Tiêu chí của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP): (i) Sự tham gia – Mọi người có thể nói lên ý kiến của mình thông qua các tổ chức hoặc đại diện trực tiếp hợp pháp; (ii) Pháp quyền; (iii) Định hướng đồng thuận; (iv) Công bằng và toàn diện; (v) Tính hiệu lực và hiệu quả; (vi) Trách nhiệm giải trình; (vii) Tính minh bạch; (viii) Khả năng đáp ứng[8]. Như vậy, theo quan niệm của Liên Hợp quốc, có 08 nội dung, nguyên tắc được cọi là một trong những trụ cột của quản trị tốt mà hầu hết các quốc gia cần tuân thủ.
Tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) giới gồm: (i) Vai trò, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình; (ii) Sự ổn định về chính trị và xã hội phi bạo lực; (iii) Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ; (iv) Chất lượng các văn bản, quy định của pháp luật; (v) Thượng tôn pháp luật; (vi) Kiểm soát tham nhũng.
2.2. Ở Việt Nam
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình bày tại Đại hội XIII của Đảng xác định, “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “quản trị quốc gia” trong Văn kiện Đại hội của Đảng.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia[9]. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển, bảo đảm thượng tôn pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Các tổ chức quốc tế như UNDP, WB và các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada… đều có những nội dung nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nền tảng cốt lõi của quản trị như sự tham gia của người dân, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng…
Cho đến hết năm 2020, khảo sát Chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 146.233 người dân[10]. Năm 2009, thí điểm tại Phú Thọ, TP. Đà Nẵng và Đồng Tháp; năm 2010, triển khai ở 30 tỉnh/thành phố trên toàn quốc; năm 2011 đến nay, triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Chỉ số PAPI bao gồm[11]:
– 08 chỉ số lĩnh vực nội dung: (i) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (ii) Công khai, minh bạch; (iii) Trách nhiệm giải trình với người dân; (iv) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (v) Thủ tục hành chính công; (vi) Cung ứng dịch vụ công; (vii) Quản trị môi trường; (viii) Quản trị điện tử.
– 29 chỉ số nội dung thành phần: Tri thức công dân; cơ hội tham gia; chất lượng bầu cử; đóng góp tự nguyện; tiếp cận thông tin; danh sách hộ nghèo; thu, chi ngân sách cấp xã/phường; quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù; hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; tiếp cận dịch vụ tư pháp; kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước; quyết tâm chống tham nhũng; chứng thực/xác nhận; giấy phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục hành chính cấp xã/phường; y tế công lập; giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; an ninh, trật tự; nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí; chất lượng nước; sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương; phúc đáp qua cổng thông tin điện tử.
– Hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.
Chỉ số PAPI rất rộng, đa dạng và phong phú liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau ở trung ương và địa phương. Một số văn bản quy phạm pháp luật cơ bản có liên quan trực tiếp đến Chỉ số PAPI và Chỉ số PAPI có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ nhằm tư vấn chính sách nhằm thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như đặc thù của từng địa phương. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tiếp cận thông tin”; Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”; Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp”. Khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; 2. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật này; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương”. Chương 5 Luật Đất đai năm 2024 quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; khoản 5 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất thu hồi cho người có đất thu hồi”. Các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về các vấn đề có liên quan đến các trục nội dung chính của Chỉ số PAPI.
Các thang đo Chỉ số PAPI được thiết kế đồng bộ, đang dạng thể hiện quá trình quản trị địa phương ở 63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Các thang đo được thiết kế linh hoạt, mang tính thực tiễn cao. 08 trục nội dung Chỉ số PAPI thiết kế nên đa phần đều có nội dung tương đồng với những nội dung đánh giá về quản trị và hành chính công theo các chuẩn mực quốc tế.
Theo báo cáo phân tích chung của Nhóm nghiên cứu PAPI, ở cả 08 trục nội dung thành phần của Bảng xếp hạng PAPI năm 2022, điểm số của Quảng Ninh đều nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc. Các trục nội dung có khuynh hướng điểm cao qua các năm như thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công năm 2022[12], tiệm cận từ ngưỡng 06 điểm đến khoảng ngưỡng 08 điểm. Các chỉ số thành phần của PAPI có sự biến đổi qua các năm, một số tỉnh có xu hướng tăng chỉ số thành phần, một số tỉnh có bước nhảy vọt như Thanh Hóa, Thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế.
Một số tỉnh vẫn còn bị nằm trong nhóm thấp như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên. Một số trục nội dung có khung điểm thấp như quản trị môi trường và quản trị điện tử[13], tiệm cận từ ngưỡng 02 điểm đến ngưỡng 08 điểm.
3. Một số giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Chỉ số PAPI, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Trong thực tế, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm kích chỉ số tỉnh họ đạt kết quả cao, do vậy, nhiều thông tin sẽ bị nhiễu và không chính xác. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức cần nâng cao đồng bộ hiệu lực, hiệu quả thực chất hoạt động của cơ quan, đơn vị của mình, từ đó người dân sẽ đánh giá cao các tiêu chí thành phần của Chỉ số PAPI tăng điểm.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cao các chỉ số thành phần của PAPI như pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị trong Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Công chứng… Các địa phương cần xây dựng những sáng kiến, chính sách, pháp luật phù hợp về đất đai, thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, môi trường… để duy trì, phát triển những trục nội dung có điểm số cao; cần nỗ lực để tìm ra các điểm nghẽn các tiêu chí mất điểm, các tiêu chí điểm thấp hoặc trung bình thấp để thực hiện đồng bộ các chính sách trong quản trị địa phương.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Chỉ số PAPI giữa Sở Nội vụ với các sở có liên quan như Sở Giáo dục, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và đầu tư… của địa phương nhằm nâng cao Chỉ số PAPI, đặc biệt tăng cường phối hợp giữa Sở Nội vụ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh nhằm rà soát, theo dõi, phân tích các chỉ số thành phần. Bên cạnh đó, cần ràng buộc trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong quản lý nhà nước về các điểm chỉ số thành phần điểm thấp của chỉ số PAPI.
Thứ tư, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình quản trị địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong quản trị địa phương.
Kết luận
Chỉ số PAPI cơ bản dựa trên các chuẩn lý thuyết về quản trị của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế. Trên thế giới có rất nhiều các chỉ số đo lường hiệu quả quản trị địa phương, tuy nhiên, Chỉ số PAPI ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của thế giới thì còn có các tiêu chuẩn đặc thù riêng có của Việt Nam. Cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả góp phần nâng cao Chỉ số PAPI – đây là dữ liệu thực chứng nghiên cứu, phát hiện, tìm tòi chính sách nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững của quản trị quốc gia và quản trị địa phương của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi./.
TS. Trần Thị Hải Yến
Học viện Hành chính quốc gia
[1].https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/upload/stp/File/10.CCHC.%20De%20cuong%20Ch%E1%BB%89%20s%E1%BB%91%20PAP1%20
va%CC%80%20CPI(1).doc#:~:text=Ch%E1%BB%89%20s%E1%BB%91%20Hi%E1%BB%87u%20qu%E1%BA%A3%20qu%E1%BA%A3n,
c%E1%BB%A7a%20ch%C3%ADnh%20quy%E1%BB%81n%20c%C3%A1c%20c%E1%BA%A5p, truy cập ngày 26/3/2024.
[2]. William Tyndale; John Frith (1831), When the king’s grace came first to the right of the crown, and unto the governance of the realm young and unexpert…, The works of Tyndale. Ebenezer Palmer. p. 452.
[3]. Du Yanli (2020), Bức tranh tương lai, những vấn đề nan giải thực tế và những thay đổi thực tế trong quản trị địa phương ở Trung Quốc, Tạp chí Viện Hành chính Thượng Hải, http://39.104.48.129/zlll/dfzl/102.shtml, truy cập ngày 07/01/2024.
[4]. Du Yanli (2020), Tlđd.
[5]. Đoàn Trọng Truyến (1992), Từ điển Pháp – Việt, Pháp luật và Hành chính, tr. 26.
[6]. David Osborne & Ted Gaebler (1993), Reinventing Government: How the Entrepreneurial Spirit is Transforming, the Public Sector, Plume, 1993.
[7]. The Institutional Quality Index (IQI) https://sites.google.com/site/institutionalqualityindex/home.
[8]. “What is Good Governance”, UNESCAP, 2009, Accessed April 6, 2021.
[9]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 1.
[10]. https://papi.org.vn.
[11]. Tác giả tổng hợp dựa vào trang https://papi.org.vn, truy cập ngày 21/10/2023.
[12]. https://papi.org.vn.
[13]. https://papi.org.vn.
Dẫn theo nguồn: https://danchuphapluat.vn/chi-so-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong-cap-tinh-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-viet-nam