Luật căn cước đáp ứng yêu cầu phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số tạo bước đột phá về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế – xã hội

Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 01/7/2024). Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân năm 2014 sang luật Căn cước năm 2023, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là Thẻ căn cước. Nội dung Luật Căn cước đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam. Việc đổi tên Luật Căn cước Công dân thành Luật Căn cước được xây dựng còn dựa trên cơ sở có bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

 Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, đến nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này. Hiện nay mới nắm sơ bộ có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, trong đó có gần 800 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, hơn 11.000 trường hợp không xác định được quốc tịch. Thực tế này cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với những trường hợp này, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự. Tên Luật Căn cước đã chính xác và bao hàm hơn so với tên gọi cũ. Sửa tên Luật Căn cước để phạm vi đối tượng mở rộng hơn, phục vụ tốt việc quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Cơ sở Dữ liệu Căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống. Trên thực tế, với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ căn cước gắn chip điện tử của Việt Nam ra đời cùng với việc định danh điện tử không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh, an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao. Việc người dân sử dụng thẻ căn cước gắn chip có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí khi công chứng các loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Chip gắn trên thẻ căn cước có mức độ an toàn, bảo mật rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chip nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo. Đặc biệt, chip điện tử này không có khả năng định vị, thông tin lưu trữ trên chip cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và thông tin được mã hóa.

Bên cạnh đó, so với Luật Căn cước Công dân 2014, thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Cùng với đó sự điều chỉnh này còn tạo nhằm điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam trong việc quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho các trường hợp “Công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch”. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác; đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật. Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.

Luật Căn cước mới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật có 07 chương và 46 điều, bao gồm 09 nội dung cơ bản nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.

Có thể khẳng định, việc ban hành Luật Căn cước là rất cần thiết. Bởi, thứ nhất, Luật Căn cước chính là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động…) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Luật Căn cước là cơ sở để nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm… Luật Căn cước phục vụ phát triển công dân số. Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước gắn chip điện tử, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong các giao dịch. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác. Từ những tiện ích trên cho thấy, Luật Căn cước sẽ là bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý Nhà nước. Thực hiện Luật Căn cước còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia vào các giao dịch điện tử thuận tiện và an toàn. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhóm đối tượng này. Đồng thời, việc lược bỏ vân tay và một số thông tin không cần thiết trên thẻ căn cước là một biện pháp nhằm tôn trọng quyền riêng tư của công dân, giảm thiểu rủi ro về việc lộ thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ căn cước. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Với những ý nghĩa thiết thực, có thể khẳng định, Luật Căn cước là một sáng kiến mang tính đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, cụ thể, việc đổi mới quản lý dân cư là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về toàn bộ công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ sở dữ liệu này sẽ được liên kết và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng thông tin về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm, cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

 Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như:

 – Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định: “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất”.

 – Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên; trong đó có phát triển công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử – viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).

  – Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 xác định nhiệm vụ là: (1) Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia; (2) Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số; (3) Hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Những văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định việc tăng cường đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Hiện nay, Bộ Công an đã tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch Covid – 19; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Luật Căn cước năm 2023 đáp ứng yêu cầu phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số tạo bước đột phá về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế – xã hội trên các mặt sau:

Một là, để thuận tiện cho chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề… Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Trong khi đó, Luật Căn cước công dân năm 2014 không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ Căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, tổ chức chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.

Hai là, để thuận lợi cho việc triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Theo Điều 9, Điều 15 Luật Căn cước công dân 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú 2020) thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin; tuy nhiên, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật Căn cước công dân 2014 nêu trên sẽ gây khó khăn nhất định khi triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Ba là, nhằm hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân, tránh các thủ tục khó khăn, phiền hà cho công dân. Luật Căn cước năm 2023 được xây dựng, ban hành nhằm mục đích phục vụ công dân số. Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử như:

Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… Từ đó, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật.Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, căn cước, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Bốn là, đối với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thông qua việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác; tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Trên cơ sở đó tập trung phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ ứng dụng VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như: y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…

Cùng với đó, Luật Căn cước được xây dựng, ban hành nhằm hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân được chính xác và thuận lợi. Đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.

 Với những ý nghĩa thiết thực, có thể khẳng định, Luật Căn cước là một sáng kiến mang tính đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và phát triển chuyển đổi số quốc gia bằng việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số; là công cụ quan trọng và hữu hiệu để Nhà nước quản lý dân cư theo hướng hiện đại, nắm bắt và kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến tình hình dân số, sinh sống, di chuyển của người dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đồng thời phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân Việt Nam trong thời đại số. Việc triển khai thực hiện các quy định của Luật sẽ giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nhà nước về dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời kỳ mới.

ThS. Cao An Khang – Học viện Cảnh sát Nhân dân

Đặc san phát triển Kinh tế – Xã hội số 1-2024

Dẫn theo nguồn: https://rised.org.vn/luat-can-cuoc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-khong-gian-so-chinh-phu-so-cong-dan-so-tao-buoc-dot-pha-ve-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-kinh-te-xa-hoi/

Trả lời