Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học của một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật của một số quốc gia về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học, từ đó, rút ra một số kinh nghiệm đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Đặt vấn đề

Bảo hộ quyền tác giả (QTG) là một trong những nhân tố quan trọng trong việc khẳng định chất lượng của tác phẩm khoa học (TPKH). Thực trạng xâm phạm QTG trong hoạt động nghiên cứu khoa học là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự và cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của TPKH. Bên cạnh đó, QTG chưa được bảo vệ đúng mức làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây tâm lý không muốn thực hiện nghiên cứu, không tạo động lực cho tác giả công trình khoa học, thậm chí, người nghiên cứu không muốn công khai các kết quả công trình nghiên cứu của mình do quyền lợi không thực sự được bảo đảm. Chính vì vậy, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trình độ khoa học và kinh tế, xã hội của quốc gia.

Nhận thức rõ được vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, những năm qua, tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam bước đầu đã có những tiến bộ trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và QTG nói riêng. Tuy nhiên, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý SHTT tại các cơ sở giáo dục, trường đại học còn chưa thực sự đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Thực tế cho thấy, việc xác định chủ sở hữu QTG không đơn giản, mặc dù Điều 41, Điều 42 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2018 quy định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, tuy nhiên, đối với kết quả nghiên cứu do nhiều người đầu tư tài chính để thực hiện hay kết quả nghiên cứu vừa được bảo hộ theo pháp luật về QTG, vừa được bảo hộ theo pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, việc xác định bảo hộ chưa rõ ràng dẫn tới những kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu nhưng không được đưa vào sử dụng, khai thác nên nhóm nghiên cứu thường sử dụng hay chuyển giao mà không thông qua chủ sở hữu QTG.

QTG là một trong các đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật về quyền SHTT. Cũng như các lĩnh vực khác của quyền SHTT, QTG bảo hộ các sản phẩm trí tuệ của con người. QTG là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của các quyền liên quan. Vào thế kỷ thứ XV, hệ thống pháp luật ở một số quốc gia đã bắt đầu ghi nhận về QTG, tuy nhiên, ở giai đoạn này, pháp luật chỉ mới ghi nhận quyền sở hữu đối với những vật mang tác phẩm trí tuệ (như sách, báo…) mà không bảo hộ nội dung chứa đựng trong đó, do đó, việc TPKH của một tác giả dễ dàng bị sao chép và thay đổi. Đến giữa thế kỷ XVI, với sự phát triển của phong trào văn hóa Phục Hưng thì QTG được nhiều nước quan tâm hơn để khuyến khích sự sáng tạo cá nhân, do đó, QTG trong thời kỳ này hướng đến bảo vệ quyền nhân thân của tác giả mà chưa bảo đảm cho tác giả các quyền tài sản đối với tác phẩm trí tuệ. Vào đầu thế kỷ XVIII, với sự ra đời của Luật Bản quyền của Anh và sau đó là một loạt những quy định tương tự được đưa vào đạo luật của các nước như Pháp, Đức, Hoa Kỳ… Cho đến nay, QTG đã được ghi nhận một cách rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới.

2. Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học của một số quốc gia

2.1. Hoa Kỳ

Hiến pháp của Hoa Kỳ quy định, Quốc hội có quyền khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nghệ thuật hữu ích bằng cách bảo đảm trong một thời gian nhất định những quyền đặc biệt cho tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và sáng chế của họ. Trước đó, Hoa Kỳ đã ban hành Luật Bản quyền năm 1909, sau đó, năm 1955, Ủy ban Cải cách Luật Bản quyền được thành lập để xem xét sửa đổi Luật Bản quyền. Sau hơn 20 năm tham vấn và soạn thảo, Luật Bản quyền mới đã được Quốc hội thông qua vào năm 1976, có hiệu lực từ ngày 01/01/1978. Luật Bản quyền năm 1976 được coi là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách bản quyền của Hoa Kỳ, hướng tới mở rộng quyền và bảo vệ cho các tác giả, nghệ sỹ. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Luật Bản quyền năm 1976 đã được sửa đổi nhiều lần để đáp ứng yêu cầu bảo hộ trong bối cảnh phát triển công nghệ số. Tuy nhiên, Luật Bản quyền năm 1976 vẫn giữ vai trò là nền tảng pháp lý cho hệ thống bản quyền tại Hoa Kỳ.

Luật Bản quyền năm 1976 quy định, các tác phẩm được bảo hộ bản quyền bao gồm: (i) Tác phẩm văn học như sách, tạp chí, báo, thơ, kịch bản; (ii) Tác phẩm âm nhạc như bài hát, giai điệu, lời bài hát; (iii) Tác phẩm điện ảnh như phim, chương trình truyền hình; (iv) Tác phẩm mỹ thuật như tranh vẽ, điêu khắc, nhiếp ảnh; (v) Phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu. Pháp luật về bảo hộ quyền SHTT của Hoa Kỳ không bảo hộ các ý tưởng mà chỉ bảo hộ cách trình bày các ý tưởng đó. Các tác phẩm trên được bảo hộ kể từ khi được thể hiện dưới dạng cụ thể có thể sao chép được. Những tác phẩm không được bảo hộ QTG theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ là tin tức về khoa học, về lịch sử, về sinh học, các tin tức hàng ngày…, bởi theo quan niệm của các nhà lập pháp thì bất kỳ một sự thật nào được tác giả tìm ra trong quá trình nghiên cứu đều thuộc về công chúng, mọi người đều có quyền sử dụng miễn phí. Quan điểm này phù hợp với Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật là các tin tức và các dữ kiện hỗn hợp không được hưởng quy chế bảo hộ.

Nội dung pháp luật về QTG ở Hoa Kỳ quy định, QTG nói chung và QTG đối với TPKH nói riêng tách biệt với quyền sở hữu tài sản hữu hình, đó là sự phân biệt giữa quyền tài sản và QTG đối với tác phẩm đó. Theo Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ thì “bản quyền” là một loại hình bảo hộ được quy định bởi Hiến pháp Hoa Kỳ và được pháp luật thừa nhận cho những tác phẩm nguyên gốc của tác giả được định hình dưới một hình thức hữu hình nhất định. QTG bao gồm quyền sao chép, phân phối, biểu diễn tác phẩm. Thời hạn bảo hộ QTG ở Hoa Kỳ là trong suốt cuộc đời tác giả cộng thêm 70 năm sau khi tác giả qua đời. Đối với tác phẩm do nhiều tác giả cùng sáng tác thì thời hạn là 70 năm sau khi tác giả cuối cùng qua đời.

Ở Hoa Kỳ, điều kiện để TPKH được bảo hộ phải thỏa mãn những điều kiện cần thiết để được bảo hộ QTG là: (i) Tác phẩm đó được tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; (ii) Tác phẩm đó phải là một sáng tạo mới. Như vậy, tác phẩm phải được biểu hiện bằng sự cố gắng sáng tạo của tác giả tạo ra nó. Tính sáng tạo không chỉ là liệt kê những chữ – số đơn thuần mà ai biết chữ cũng có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, đối với những TPKH được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo thì nước này vẫn duy trì quan điểm không bảo hộ bản quyền. Các lý do được đưa ra là, Hoa Kỳ cho rằng, tác giả sáng tạo phải là con người. Giới hạn phạm vi tác giả trong pháp luật bản quyền của Hoa Kỳ chỉ là con người, phục vụ cho mục đích lớn nhất là thúc đẩy và khuyến khích sự lao động trí óc và sáng tạo. Các tác phẩm do động vật, trí tuệ nhân tạo tạo ra hoặc các vết cắt, khuyết tật có trong đá tự nhiên… sẽ không được Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ cho đăng ký bảo vệ bản quyền.

Theo các điều từ 501 đến 513 Luật Bản quyền Hoa Kỳ, các hành vi vi phạm QTG đối với TPKH đều có thể bị xử lý dân sự và hình sự. Cụ thể, chủ sở hữu QTG có thể khởi kiện dân sự đối với các hành vi xâm phạm QTG như sao chép, phân phối trái phép tác phẩm. Nếu thắng kiện, bị đơn sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn và có thể bị tước bỏ lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm. Mức bồi thường có thể lên đến 150.000 USD cho mỗi tác phẩm bị vi phạm. Ngoài ra, Luật Bản quyền Hoa Kỳ cũng quy định xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng với mục đích thương mại. Cụ thể: Phạt tiền từ 250.000 USD đến 500.000 USD hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm với tội danh xâm phạm QTG lần đầu; phạt tiền từ 500.000 USD đến 01 triệu USD hoặc tù từ 05 – 10 năm nếu phạm tội lần thứ hai hoặc nhiều hơn. Khung phạt vi phạm bản quyền ở Hoa Kỳ khá nặng, đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm QTG. Điều này thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ quyền SHTT tại quốc gia này.

Có thể thấy, Luật Bản quyền Hoa Kỳ bao quát hầu hết các loại hình sáng tạo có giá trị thương mại, đồng thời có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho các chủ sở hữu tác phẩm. Đây là một trong những hệ thống pháp luật bảo hộ QTG chặt chẽ và hiệu quả nhất trên thế giới.

2.2. Anh

Nước Anh dưới triều đại Nữ hoàng Anne là nước đầu tiên công nhận độc quyền của tác giả – “Đạo luật của Nữ hoàng Anne” năm 1709 là đạo luật về QTG sớm nhất của nước Anh và cũng là đạo luật về QTG đầu tiên trong lịch sử thế giới, chính là được ban hành dựa vào các tiền đề lớn là quan niệm kinh tế của chủ nghĩa trọng thương và quan niệm về quyền lợi tài sản tư hữu, mục đích là “trao cho tác giả, nhà xuất bản có quyền sao chép, để khuyến khích sáng tạo”, bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chức năng truyền bá văn hóa.

Pháp luật về QTG của Anh quy định, QTG tự động phát sinh kể từ thời điểm cá nhân hay pháp nhân sáng tạo nên TPKH. Với quan điểm xây dựng pháp luật trên cơ sở về giá trị tài sản, pháp luật về QTG của nước Anh thực hiện thuyết về QTG thương mại cho rằng, thực chất của QTG chính là quyền lợi sao chép tác phẩm vì mục đích thương mại. Quy định nước này nhấn mạnh đến bảo hộ yếu tố kinh tế mà ít quan tâm đến quyền tinh thần của tác giả.

Khi các TPKH, văn học và các bản in của các sách đã xuất bản đáp ứng những yêu cầu về việc bảo vệ thì các tác phẩm đó được tự động bảo vệ bản quyền ở nước Anh. Trong các điều khoản chung, việc bảo vệ bản quyền vẫn được dành cho những tác phẩm xuất bản đầu tiên. Tại Anh, các quyền sử dụng và quyết định về một tác phẩm thường không dành cho tác giả mà lại dành cho những người khai thác các quyền này về mặt kinh tế. Tác giả chỉ giữ lại các quyền phủ quyết có giới hạn nhằm ngăn cản việc lạm dụng từ phía những người khai thác các quyền này.

Quy định về thời hạn của bản quyền ở nước Anh như sau: Thời hạn của bản quyền đối với các TPKH, văn học, kịch, âm nhạc và mỹ thuật thường là suốt cuộc đời của tác giả và một khoảng thời gian khoảng 70 năm, kể từ khi người đó qua đời. Đối với phim, thời hạn thường là 70 năm, các bản thu và truyền hình được bảo vệ trong khoảng thời gian 50 năm.

Khác với quan điểm ở một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản thì tại Anh, khái niệm về bảo hộ các tác phẩm nói chung hay TPKH nói riêng được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến rất sớm, điều này đã được ghi nhận trong Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”, cách tiếp cận này hướng đến nội dung ghi nhận QTG cho người đã tạo nên các chương trình máy tính (cụ thể là lập trình viên) để chương trình đó tạo ra các tác phẩm. Bên cạnh đó, tác phẩm do máy tính tạo ra (computer-generated) được định nghĩa là “một tác phẩm được tạo ra bằng máy tính trong những trường hợp không có tác giả là con người”. Việc làm rõ khái niệm trên tạo ra tiền đề cho việc giải quyết các yêu cầu bảo hộ QTG đối với các TPKH được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tại đất nước này. Có thể thấy rằng, cách tiếp cận QTG này của Anh là một cách tiếp cận khá rộng mở khi đã tạo ra một ngoại lệ để công nhận QTG đối với các tác phẩm được tạo ra bởi một loại “tác giả” không phải là con người. Như vậy, mặc dù Hoa Kỳ và Anh đều theo hệ thống pháp luật Common Law nhưng khác với Hoa Kỳ thì Anh đã thừa nhận và bảo hộ các TPKH được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.

2.3. Nhật Bản

Nhật Bản có Luật Bản quyền riêng được ban hành lần đầu năm 1899. Luật Bản quyền Nhật Bản hiện hành được sửa đổi năm 1970 và bổ sung năm 2018 nhằm khuyến khích sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ. Ngoài ra, Nhật Bản còn có Luật Cơ bản về Tài sản trí tuệ năm 2021 với những phạm vi điều chỉnh đến hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ mới và sử dụng có hiệu quả tài sản trí tuệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế ở giai đoạn mới. Luật Bản quyền Nhật Bản bảo hộ các loại hình tác phẩm: (i) Tác phẩm văn học như tiểu thuyết, thơ ca, kịch bản, tiểu luận phê bình; (ii) Tác phẩm âm nhạc như bài hát, giai điệu; (iii) Tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng; (iv) Tác phẩm điện ảnh như phim điện ảnh, phim truyền hình, phim hoạt hình; (v) TPKH như các tác phẩm được viết lên giấy trắng, bài giảng hay diễn thuyết bằng miệng thì được bảo hộ theo pháp luật Nhật Bản, do đó không phân biệt loại hình tác phẩm viết với tác phẩm không biểu hiện dưới hình thức viết. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn bảo hộ tác phẩm là phần mềm máy tính. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận một chương trình thuộc phần mềm máy vi tính như một tác phẩm và người sáng tạo có QTG đối với phần mềm đó.

Để được bảo hộ QTG thì các tác phẩm phải đáp ứng được các điều kiện như: (i) Chứa đựng những suy nghĩ hoặc xúc cảm; (ii) Được định hình cụ thể; (iii) Có tính sáng tạo; (iv) Thuộc các lĩnh vực văn học, khoa học, mỹ thuật hay âm nhạc. Theo quan điểm của nhà làm luật Nhật Bản, nội dung của những tác phẩm trên phải được diễn tả một cách sáng tạo thì sẽ được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, các ngôn ngữ được sử dụng để lập trình hay các giải pháp về toán học không được xem là đối tượng bảo hộ theo quy định pháp luật về QTG ở nước này.

Nhật Bản cũng rất tích cực trong việc cân nhắc phát triển trí tuệ nhân tạo song song với hoàn thiện pháp luật về SHTT. Năm 2017, một trí tuệ nhân tạo có tên Shibuya Mirai được nước này cấp quyền công dân và có thẻ cư trú tại Tokyo. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn từ chối bảo hộ QTG cho các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo, bởi theo pháp luật QTG hiện hành, ở nước này không xem sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra là một tài sản, bên cạnh đó, theo như phân tích các điều kiện để được bảo hộ ở trên thì các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo không có đủ điều kiện bởi nó không chứa đựng “suy nghĩ” và “xúc cảm”.

Những tác phẩm không được bảo hộ theo quy định của pháp luật về QTG ở Nhật Bản là Hiến pháp và các luật, đạo luật, nghị định của Chính phủ, các thông tư của các bộ… và những bản dịch của các văn bản trên nhưng vẫn bảo hộ các tác phẩm báo chí hay công báo của Nhà nước phát hành.

Bên cạnh đó, Luật Bản quyền Nhật Bản cho phép một số trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép như: Sử dụng vào mục đích giảng dạy, nghiên cứu tại trường học, thư viện; trích dẫn hợp lý phục vụ bình luận, giới thiệu tác phẩm; sao chép tác phẩm cho người khuyết tật.

Thời hạn bảo hộ QTG ở Nhật Bản là trong suốt cuộc đời cộng thêm 50 năm sau khi tác giả qua đời, ngắn hơn so với mức 70 năm theo chuẩn quốc tế.

Nhật Bản có hệ thống luật pháp điều chỉnh chặt chẽ về QTG, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa sáng tạo trong nền kinh tế tri thức hiện đại. Theo Luật Bản quyền Nhật Bản, hành vi vi phạm bản quyền có thể bị xử lý ở cả cấp độ dân sự và hình sự: (i) Về dân sự: Người vi phạm có thể bị buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu bản quyền. Mức bồi thường có thể lên tới 10 triệu Yên (khoảng 73.000 USD). (ii) Về hình sự: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 02 triệu đến 10 triệu Yên (khoảng 14.600 – 73.000 USD) hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm, tùy theo mức độ vi phạm. (iii) Ngoài ra, Tòa án cũng có thể ra lệnh tịch thu tiêu hủy hàng hóa vi phạm và cấm tiếp tục kinh doanh liên quan đến hành vi xâm phạm bản quyền.

Có thể thấy, khung hình phạt vi phạm bản quyền ở Nhật Bản khá nghiêm khắc, với mức phạt tiền và phạt tù cao. Điều này nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng. Nhật Bản luôn coi trọng việc bảo hộ SHTT và thực thi pháp luật một cách triệt để.

Như vậy, các quốc gia trên thế giới đều có những quy định cơ bản tương tự để bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, khuyến khích sự phát triển văn hóa, khoa học. Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác biệt nhất định về phạm vi, thời hạn bảo hộ và các trường hợp ngoại lệ.

3. Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Trong xu thế mới, với sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo thì các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm nhiều hơn trong công tác bảo hộ QTG, đây cần được xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược của nhà trường. Qua nghiên cứu cho thấy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về QTG đối với TPKH tại các cơ sở giáo dục đại học, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định về bảo hộ QTG còn vướng mắc, nhận thức của một bộ phận giảng viên, sinh viên ở một số cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế, việc giải quyết khiếu nại và tố cáo để bảo vệ QTG chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn… Do vậy, việc bảo hộ tốt QTG sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về bảo hộ QTG, tác giả đưa ra một số định hướng hoàn thiện pháp luật về QTG đối với TPKH tại các cơ sở giáo dục đại học như sau:

Thứ nhất, hiện nay, việc quy định đan xen cùng với các quy định về bảo hộ QTG đối với tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học là khá “mờ nhạt”. Do vậy, việc ban hành các quy định riêng, độc lập về bảo hộ QTG đối với tác phẩm nghiên cứu khoa học là cần thiết. Đây không chỉ là yếu tố về hình thức, kỹ thuật mà còn phải chứa đựng được những đặc thù, sự khác biệt trong việc bảo hộ QTG nói chung và bảo hộ QTG đối với tác phẩm nghiên cứu khoa học của các sinh viên, học viên, giảng viên… nói riêng.

Thứ hai, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề xâm phạm QTG do trí tuệ nhân tạo thực hiện. Vì vậy, cần có những điều khoản riêng biệt để giải quyết vấn đề này. Trước hết, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các phương án giải quyết được đề xuất như áp dụng chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; quy trách nhiệm cho người sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra tác phẩm. Việt Nam có thể tham khảo ý kiến được đưa ra dựa trên nguyên tắc “Respondeat Superior” hay “Vicarious” – Nguyên tắc chịu trách nhiệm của người ủy thác đối với hành vi của người thụ thác. Cơ sở phát triển là dựa trên các nguyên tắc của Tort Law (Luật Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng) quy định rằng, một pháp nhân có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng điều kiện: (i) Hành vi của bất cứ nhân viên nào của pháp nhân đó thực hiện một tội phạm; (ii) Trong phạm vi công việc của họ; (iii) Với ý định mang lại lợi ích cho pháp nhân. Trong đó, người dùng cuối được xem là đã tạo lập, chỉ đạo và nhận được lợi ích từ trí tuệ nhân tạo, do đó, trách nhiệm cho những hành vi của trí tuệ nhân tạo làm ra sẽ do họ đảm nhận.

Thông qua pháp luật của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản về QTG đã cho thấy những góc nhìn khác nhau về việc bảo hộ QTG. Việc pháp luật ghi nhận và bảo hộ QTG đối với TPKH tại các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa to lớn trong việc khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội./.

TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào

Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Vũ Thị Lan Phương (2018), Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (2019), Bảo hộ quyền tác giả trong cơ sở giáo dục đại học – Thực tiễn tại một số trường đại học, Tạp chí Công Thương, https://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-ho-quyen-tac-gia-trong-co-so-giao-duc-dai-hoc-thuc-tien-tai-mot-so-truong-dai-hoc-64993.htm,    truy cập ngày 19/12/2023.

[3]. Vũ Thị Hồng Yến (2019), Quyền tác giả đối với tác phẩm trong môi trường công nghiệp 4.0 tại các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21(397).

Dẫn theo nguồn: https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-bao-ho-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-khoa-hoc-tai-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-cua-mot-so-quoc-gia-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam

Trả lời